Bệnh trĩ ở người cao tuổi
Nguyên nhân gây nên bệnh trĩ cho đến nay chưa xác định được một cách chắc chắn, người càng nhiều tuổi thì nguy cơ bị trĩ càng cao. Nhiều yếu tố thuận lợi làm cho nguy cơ mắc bệnh trĩ tăng cao như viêm đại tràng mạn tính, táo bón kéo dài, những trường hợp do ngồi để đại tiện thời gian lâu, rặn mạnh làm cho áp lực trong ổ bụng và áp lực trong trực tràng, trong ống hậu môn tăng cao khiến tĩnh mạch trực tràng và hậu môn bị phình, giãn ra bởi chất lượng của tổ chức mô kém gây nên bệnh trĩ. Người già rất dễ mắc bệnh trĩ với những đặc điểm như: Rất ít trĩ đơn thuần mà đa số là trĩ hỗn hợp; Búi trĩ dễ bị sa xuống, xuất huyết và xơ hóa; Trị liệu thường khó khăn vì sức để kháng kém do mắc nhiều bệnh mạn tính. Bởi vậy để nâng cao chất lượng cuộc sống, việc phòng ngừa bệnh trĩ ở người già là hết sức cần thiết.
Cách phòng bệnh
Chế độ ăn uống
Phần lớn người cao tuổi các dịch bài tiết giảm nên ăn uống không cảm thấy ngon miệng dẫn đến chán ăn, ăn ít, hoặc do phải kiêng khem quá mức trong các trường hợp dùng thuốc điều trị bệnh nên các chất cặn bã ít, phân ít không tạo được phản xạ co bóp của đại tràng.
Ngoài ra chế độ ăn nhiều loại thức ăn có nhiều chất béo như: bơ, sữa, đường tinh chế và thức ăn ít chất xơ, ăn nhiều chất cay, nóng (ớt, hành, hồ tiêu), uống nhiều rượu, bia, uống ít nước cũng là nguyên nhân chính gây táo bón ở người già.
Trước hết, phải điều độ và đúng giờ giấc, không ăn quá no và cũng không để quá đói. Điều này giúp cho hệ thống tiêu hóa hoạt động được bình thường, đúng quy luật và có hiệu quả, đặc biệt đối với người già.
Thứ hai, thức ăn cần bảo đảm đủ về lượng, tốt về chất nhưng phải dễ tiêu và có chất xơ, chú ý uống đủ nước và ăn nhiều rau quả tươi, trọng dụng các thực phẩm có tính nhu nhuận nhưng ôn ấm như vừng, đậu đen, đậu tương, mộc nhĩ... Mỗi tuần nên ăn một vài bữa cơm gạo lứt muối vừng. Điều này giúp cho người già phòng chống hữu hiệu chứng táo bón, một trong những nguyên nhân gây bệnh trĩ.
Cuối cùng, phải hết sức giữ gìn vệ sinh ăn uống, đặc biệt là vào mùa hè để phòng tránh các bệnh lý dễ tạo điều kiện phát sinh bệnh trĩ như kiết lỵ, viêm ruột do nấm hoặc do vi khuẩn, rối loạn tiêu hóa... Không nên ăn quá nhiều các thức ăn cay nóng như ớt, hạt tiêu, rượu mạnh... dễ gây táo bón hoặc các thức ăn tính quá lạnh như cua, ốc, thịt trâu, dưa hấu... dễ gây đi lỏng.
Chế độ sinh hoạt
Hết sức tránh đứng lâu, ngồi lâu, không nên ngồi xổm vì có thể ảnh hưởng đến sự tuần hoàn máu ở khoang xương chậu làm cho ứ máu tại các tĩnh mạch trĩ.
Tăng cường hoạt động thể lực, đặc biệt là vận động cơ bắp. Tùy theo sở thích của mỗi người mà lựa chọn một hay hai môn thể thao yêu thích, kiên trì tập luyện trong một thời gian dài. Bơi lội là một trong những môn thể thao rất hữu ích cho việc phòng ngừa bệnh trĩ, ngoài ra chạy chậm và đi bộ đều có tác dụng phòng ngừa ở các mức độ khác nhau.
Nên hình thành thói quen mỗi sáng sớm thức dậy đúng giờ đại tiện. Không nên nhịn đại tiện vì sẽ gây ra táo bón. Các thói quen như ngồi trong nhà vệ sinh quá lâu, đọc báo trong nhà vệ sinh hoặc dùng lực quá sức... đều là thói quen không tốt, nên thay đổi. Nên dùng hố xí bệt.
Hạn chế sinh hoạt tình dục khi có các biểu hiện của bệnh trĩ. Hết sức chú ý vệ sinh tầng sinh môn, nhất là sau khi đại tiện. Mỗi ngày nên ngâm nước ấm vùng hậu môn chừng 15- 20 phút.
Điều trị
Không phải bệnh trĩ nào cũng phải mổ. Vấn đề này còn tùy thuộc vào tình trạng cụ thể của bệnh và người bệnh, nhưng việc điều trị thường tập trung vào 3 phương pháp chính dưới đây.
1. Chữa nội khoa.
Có nghĩa là chỉ dùng các thuốc bảo vệ mạch máu, giảm đau, chống viêm, cải thiện hoạt động của đường ruột, giải quyết các nguyên nhân gây tăng áp lực ổ bụng.
2. Điều trị chuyên khoa.
Cũng với mục tiêu như trên nhưng làm thêm các thủ thuật đặc hiệu của chuyên khoa HM-Trực tràng như: nạp đạn trĩ, tiêm gây xơ chai búi trĩ, ngâm rửa HM bằng thuốc, bôi thuốc cho rụng trĩ (Khô trĩ tán, nổi tiếng một thời ngày nay không dùng nữa vì kém hiệu quả và độc hại).
3. Phẫu thuật.
Khi các biện pháp kể trên không hiệu quả hoặc hiệu quả kém mới đặt ra vấn đề phẫu thuật. Song phẫu thuật không phải là kết luận cuối cùng mà chỉ là một mắt xích, một công đoạn trong phác đồ tổng thể. Bởi vì sau mổ còn một việc cực kỳ hệ trọng là phục hồi chức năng hậu môn và điều trị ngăn chặn tái phát. Thật đáng tiếc nhiều người nhầm tưởng rằng phẫu thuật (Mô) là cao cấp nhất. Thực ra, mổ xẻ, cắt bỏ 1 phần da thịt của mình là một động tác trái quy luật tự nhiên của tạo hóa; vạn bất đắc dĩ (Ví như Viêm ruột thừa cấp, không mổ cắt đi thì tính mạng bị đe dọa). Còn lại, xu thế của con người văn minh, hiện đại là bảo tồn tạo hóa. Ngay như U xơ tuyến tiền liệt gây bí, tắc tiểu tiện đến nay gần như đã được giải quyết hoàn toàn bằng thuốc và các biện pháp điều chỉnh hợp lý lối sống, không phải mổ, đầy rủi ro và tốn kém.
Biện pháp dùng thuốc Đông y
Trước hết, nên trọng dụng các món ăn bài thuốc có công dụng phòng ngừa bệnh trĩ như:
(1) Dùng nước sôi pha 60ml mật ong với 30ml dầu vừng uống thường xuyên vào buổi sáng;
(2) Dùng 1.000g củ cải trắng, rửa sạch, giã nát, vắt lấy nước cốt hoà thêm một chút mật ong, uống khi đói bụng;
(3) Lấy 10 củ mã thầy, bóc vỏ rửa sạch, thái vụn rồi đem nấu với 200g rau muống, dùng làm canh ăn;
(4) Dùng 500g khoai lang, rửa sạch, thái vụn rồi cho vào nồi ninh nhừ, cho thêm đường trắng, chia ăn vài lần trong ngày;
(5) Mỗi ngày lấy 2 quả chuối tiêu, bóc bỏ vỏ, cho thêm đường rồi hầm cách thủy, ăn trong ngày;
(6) Tang thầm (quả dâu chín) 30g nấu với 100g gạo thành cháo, chia ăn vài lần trong ngày;
(7) Ngân nhĩ (mộc nhĩ trắng) 50g, mã thầy 100g, đường trắng vừa đủ, tất cả đem nấu nhừ, chia ăn vài lần trong ngày;
(8) Hoa hòe 12g, cúc hoa 12g, hai thứ đem hãm với nước sôi trong bình kín, sau lỗ phút thì dùng được, uống thay trà trong ngày...
Cũng có thể sử dụng dưới dạng trà thuốc, công thức:
đẳng sâm 12g, hoàng kỳ 12g, đương quy 12g, bạch truật 12g, thăng ma 8g, sài hồ 8g, trần bì 8g, cam thảo 6g, tất cả đem hãm với nước sôi trong bình kín, sau 20 phút thì dùng được, uống thay trà trong ngày. Những người bị tăng huyết áp thì không nên dùng bài thuốc này.
Đối với các trường hợp đã bị trĩ (Trĩ nội độ 1, độ 2 hoặc trĩ ngoại hoặc trĩ hỗn hợp) hoặc táo bón thường xuyên, nên sử dụng phương pháp điều trị nội khoa bằng các thuốc Đông y hoặc Tây y. Tuy nhiên, các thuốc hoặc các sản phẩm hỗ trợ có nguồn gốc thảo dược thường có độ an toàn cao và được khuyên dùng với đối tượng bệnh nhân này.
Một bài thuốc chữa khỏi bệnh trĩ
Bài thuốc trên báo Dân trí, số 03, trang 24 từ năm 1998 của tác giả Nguyễn Như An.
Đây là bài thuốc rất dễ tìm, dễ làm và chữa khỏi cả trĩ nội và trĩ ngoại. Nhiều người tin tưởng và kiên trì tuân thủ bài thuốc này đều khỏi bệnh. Bài thuốc này chỉ cần xông, không cần uống.
Các vị như sau: Lá sung, bỏ cọng, một nắm chặt trong tay. Lá ngải cứu, một nắm. Lá lốt, lá cúc tần, một nắm. Một củ nghệ, rửa sạch, tán nhỏ. Một chén con nước bồ kết đặc.
Cách làm:
Các thứ lá rửa sạch, thái nhỏ, cùng với củ nghệ đã tán nhỏ cho vào nồi, đổ 8 cốc nước, đun sôi thì cho chén nước bồ kết đặc vào, đậy vung kín, đun nhỏ lửa chừng 10 phút, sau đó đổ cả nước và bã vào bô rồi ngồi lên bô để xông cho hơi vào hậu môn từ 15 đến 20 phút.
Khi nước đã nguội bớt, sờ thấy còn nóng già đổ tất cả ra chậu, vun bã vào rồi ngồi đặt hậu môn lên khoảng 15 phút nữa. Sau đó dùng khăn mềm lau nhẹ cho khô rồi đi nằm nghỉ.
Lưu ý:
Tuyệt đối không dùng bã thuốc chà xát hậu môn, tránh bị sứt sát có thể gây tổn thương và viêm nhiễm. Tuyệt đối kiêng không ăn thịt chó, uống rượu và hạn chế dùng đồ cay nóng.
Qua thực tế, người bệnh nhẹ chỉ cần xông một tuần, có người do bị bệnh hơn hai mươi năm nên đã bền bỉ xông đến hai chục ngày và đều khỏi bệnh, không tái phát.
Nguồn: http://nguoicaotuoi.org.vn
Biện pháp không dùng thuốc
Tập khí công.
Day bấm huyệt: hằng ngày day bấm huyệt túc tam lý và đại trường du, mỗi huyệt chừng 30 phút.
Vị trí huyệt: vuốt tay từ cổ chân lên trên, khi vướng vào đâu thì đó là lỗi củ trước xương chày, từ đây đo ngang ra ngoài chừng 1 khoát ngón tay trỏ, khi day có cảm giác tê tức lan xuống bàn chân, đó là huyệt túc tam lý; vòng tay ôm ngang thắt lưng, huyệt đại trường du ở ngang mào chậu, cách đường trục giữa cơ thể chừng 1,5 thốn.