Bệnh Thoái Hóa Cột Sống
Bệnh thoái hóa cột sống là gì?
Thoái hóa cột sống là tình trạng lão hóa của xương khớp. Cột sống đồng thời vừa phát triển vừa thoái hóa trong suốt quá trình phát triển của cơ thể, tuy nhiên tùy theo lứa tuổi mà sự phát triển hay sự thoái hóa nhiều hơn. Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng cột sống bắt đầu thoái hóa từ năm 20 tuổi, sau đó tuổi càng cao thì quá trình thoái hóa càng nhiều. Sự thoái hóa làm cho bao xơ của đĩa đệm bị giòn và nứt nẻ, tạo khe hở cho nhân nhầy ở bên trong thoát ra ngoài, gây nên thoát vị đĩa đệm. Các dây chằng thoái hóa cũng bị dòn, cứng, giảm độ đàn hồi, phình to ra, chất vôi lắng đọng lại hoặc hóa xương trở nên sần sùi, chèn ép vào các rễ thần kinh trong ống sống hoặc trong lỗ liên hợp hay chèn vào các đầu dây thần kinh có ngay trong các dây chằng gây ra các cơn đau cho người bệnh.
Các loại đĩa đệm và sự hình thành gai cột sóng.
Nguyên nhân gây ra bệnh thoái hóa cột sống là gì?
Có rất nhiều nguyên nhân gây thoái hóa cột sống bao gồm:
- Sự lão hóa tự nhiên theo tuổi tác, giới tính, nghề nghiệp lao động nặng, tiền sử chấn thương cột sống, bất thường ở trục chi dưới, tiền sử phẫu thuật cột sống, yếu cơ, di truyền, tư thế lao động không phù hợp...
- Ngoài ra, thừa cân, béo phì hay tình trạng chịu áp lực quá tải lên sụn khớp hay đĩa đệm lặp đi lặp lại trong thời gian dài cũng sẽ dẫn đến sự tổn thương sụn khớp hay phần xương dưới sụn, làm giảm đi tính đàn hồi của đĩa đệm, xơ cứng dây chằng, bao khớp, cũng là nguyên nhân dẫn đến bệnh thoái hóa cột sống.
- Mặt khác, dấu hiệu chèn ép rễ dây thần kinh thường gặp ở thoái hóa cột sống nặng khi những gai xương thân đốt sống phát triển chèn ép vào lỗ liên hợp đốt sống. Cùng với sự thoái hóa đốt sống, đĩa đệm cũng bị thoái hóa nên gây ra nguy cơ phình, thoát vị đĩa đệm sẽ dẫn tới chèn ép rễ dây thần kinh (biểu hiện đau dây thần kinh tọa).
- Ngày nay tỷ lệ bị thoái hoá cột sống ở nam và nữ là gần như nhau mặc dù nguyên nhân tương đối khác nhau ở hai giới. Nếu như ở nam giới phần lớn là do lao động nặng, chơi thể thao quá độ, thì nữ giới là do thiếu hụt canxi, hậu quả của việc mang thai và sinh nở mà không được bù đắp kịp thời và đầy đủ.
Các nguyên nhân gây ra thoái hóa cột sóng.
Triệu chúng dễ nhận thấy bệnh thoái hóa cột sống là gì?
Triệu chứng đặc trưng của bệnh thoái hóa cột sống dễ nhận thấy nhất là thường xuyên bị đau lưng, lưng bị vẹo hoặc bị còng, cùng với đó là dáng đi không bình thường. Nhiều khi cơn đau lan sang cả những vùng khác trên cơ thể. Nên chú ý những triệu chứng dưới đây là dấu hiệu thường thấy của bệnh thoái hóa cột sống:
- Những cơn đau xuất hiện thường xuyên, âm ỉ và bị từ ngày này qua ngày khác. Chủ yếu cơn đau xuất hiện ở vùng thắt lưng và cổ gáy.
- Cảm giác khó chịu, kèm theo biếng ăn, mất ngủ, cơ thể suy nhược dẫn đến ảnh hưởng đến công việc cũng như đời sống sinh hoạt hàng ngày.
- Cơn đau kéo dài từ gáy lan ra tai, cổ. Đau lan lên đầu, có thể nhức đầu ở vùng chẩm, vùng trán, đau lan từ gáy xuống bả vai, cánh tay ở một bên hay cả hai bên.
- Cử động ở cổ bị hạn chế, có cảm giác cứng gáy.
- Nấc, ngáp, chóng mặt.
- Tê bì bàn chân, bàn tay.
Những cơn đau xuất hiện thường xuyên vùng thắt lưng.
Cách điều trị bệnh thoái hóa cột sống
- Ở giai đoạn đầu, khi các cơn đau ít hoặc mới ở mức độ nhẹ, người bệnh có thể áp dụng phương pháp vận động nhẹ nhàng, tập thể dục vừa phải để cải thiện và ngăn ngừa bệnh tiến triển.
- Nếu bệnh đã tiến triển nặng hơn, các cơn đau xuất hiện dữ dội và liên tiếp nhiều ngày, bệnh nhân có thể điều trị thoái hóa cột sống theo triệu chứng bằng cách sử dụng thuốc chống viêm, giảm đau, giãn cơ... hoặc kết hợp với các thuốc chống thoái hóa tác dụng chậm theo chỉ định của bác sỹ.
- Hiện nay không có thuốc đặc trị cho căn bệnh trên nên việc kết hợp thuốc với vật lý liệu pháp hay phẫu thuật giúp người bệnh giảm đau và duy trì khả năng vận động chứ không thể chữa tận gốc của bệnh.
Áp dụng phương pháp vận động nhẹ nhàng, tập thể dục vừa phải.
Phòng chống bệnh thoái hóa cột sống
- Giảm cân nặng, chống béo phì.
- Thường xuyên luyện tập thể dục thể thao nhẹ nhàng, 3 lần một tuần hay tốt nhất là hàng ngày làm giảm đáng kể nguy cơ thoái hóa cột sống.
- Thực hiện chế độ ăn đảm bảo dinh dưỡng hợp lý, phòng chống loãng xương, tránh dùng các phụ gia độc hại trong thực phẩm.
- Hạn chế hoặc bỏ hút thuốc, rượu bia.
- Lao động phù hợp với sức khoẻ, những nghề có thể gây thoái hóa cột sống sớm như khuân vác, gánh nặng, đội nặng...cần kiểm tra thường xuyên để điều trị kịp thời các tổn thương cột sống.