Bệnh tê phù do thiếu vitamin B1

Bệnh tê phù do thiếu vitamin B1

Thiếu vitamin B1 hay còn gọi là bệnh tê phù

(beriberi), thường gặp nhất ở tuổi nhũ nhi, từ 2 - 3 tháng tuổi do chế độ ăn bột quá sớm. Bệnh thường đi kèm với bệnh suy dinh dưỡng và thiếu các vitamin nhóm B khác. Trong thập kỷ 1950-1960, suy tim do thiếu vitamin B1 là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu của trẻ em Philippin. Tại Việt Nam, bệnh đã gây ra thành dịch lớn, lưu hành ở 7 tỉnh miền Bắc vào những năm 1960-1980. Dịch tê phù năm 1985 có những đặc điểm sau: lan rộng 4 - 5 tháng sau mùa mưa úng, lúa ngâm nước lâu ngày trước khi gặt. Sau vụ lụt các loại rau màu đều ít, chất lượng gạo kém, các mẫu gạo kiểm nghiệm đều nghèo vitamin B1. Năm 1997 bệnh này lại xảy ra rầm rộ trên một diện rộng làm ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của 450 người và gây tử vong 3 người, Bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng gặp nhiều ở độ tuổi lao động và phụ nữ cho con bú.

Bệnh thường khởi phát và diễn biến nặng vào mùa hè. Từ đó đến nay, không xảy ra các vụ dịch lớn nhưng bệnh vẫn xảy ra lẻ tẻ ở các đối tượng ăn uống kiêng khem: các bà mẹ sau sinh, trẻ nhỏ.

1. Nguyên nhân bệnh tê phủ

Là một bệnh cũng hay xảy ra ở các trẻ nhỏ. Bệnh thường làm cho trẻ bị tê - có khi bị bại, hoặc liệt cả hai chân - và bị phù (sưng) mặt, hai chân. Bệnh phát sinh do cơ thể thiếu chất vitamin B1, do đó còn được gọi là bệnh thiếu vitamin B1.

Vitamin B1 là một chất có trong nhiều loại trái cây (quả), rau, đậu... Trong sữa, thịt, trứng, gan... có một số vitamin B1. Trong cám gạo cũng có vitamin B1. Do đó nếu gạo xay xát quá kỹ, mất hết cám, cũng sẽ làm mất nhiều vitamin B1.

Vitamin B1 là một chất hết sức cần thiết cho các hoạt động của hầu hết các cơ quan trong cơ thể: thận, gan, ruột... các bắp thịt khi cử động cũng cần có vitamin B1. Tuy nhiên, có hai cơ quan có nhu cầu cao nhất về vitamin B1 là tim và bộ máy thần kinh. Nếu thiếu vitamin B1 thì triệu chứng đầu tiên ở trẻ em là phù (do tim bị suy yếu), tê, bại, hoặc liệt (do hệ thần kinh bị suy yếu).

2. Triệu chứng bệnh tê phù

Một số trẻ có khi chỉ thấy nỗi bật là triệu chứng về tim mạch; ngược lại một số trẻ khác thì thấy triệu chứng về thần kinh lại rõ nét nhất. Do đó bệnh tê phù có hai thể chủ yếu: thể tìm mạch và thể thần kinh.

2.1. Bệnh tê phù thể tim mạch

Thường xảy ra ở các trẻ do mẹ ăn thiếu chất, phần lớn là do kiêng cữ một cách quá đáng trong khi mang thai và sau khi đẻ. Do đó trong máu bà mẹ và trong sữa đều thiếu vitamin B1. Các bà mẹ này thường xanh xao, yếu mệt và có thể bị phù mặt và hai chi dưới. trẻ bú sữa của các bà mẹ này vài tháng sẽ thấy da xanh tái, chân tay lạnh, hay toát mồ hôi, vật vã, khó ngủ. Đặc biệt có những cơn thở khó, có khi tím tái cả người, rõ nhất là ở mặt, môi, các đầu ngón tay chân. Nhìn kỹ thì có thể thấy trẻ hơi phù ở mặt và tay chân làm các bà mẹ tưởng lầm là con mình “mập” ra, để ý kỹ thấy trẻ tuy có vẻ mập nhưng lại xanh xao, yếu đuối, không hồng hào. Nếu không được điều trị kịp thời sẽ có thể làm cho trẻ chết nhanh chóng.

2.2. Bệnh tê phù thể thần kinh

Các triệu chứng thường xuất hiện từ từ, thoạt đầu bà mẹ chỉ thấy con mình yếu hai chân, tình trạng yếu đó càng ngày càng nặng. Nếu không được điều trị sớm bệnh có thể làm trẻ bại liệt hắn hai chân.

Ngoài ra một số dây thần kinh ở các nơi khác cũng có thể bị suy yếu: dây thần kinh vận động mắt bị suy yếu sẽ làm cho hai mắt trẻ trở nên đờ đẫn, không linh hoạt, dây thần kinh “quặt ngược” (là một dây thần kinh “đặc biệt” ở trong thanh quản) bị liệt làm cho trẻ khàn tiếng hoặc mất tiếng.

Ngoài ra bạn cũng cần biết thêm là có khi do tình trạng thiếu vitamin B1 ở trẻ chưa đền nổi trầm trọng lắm, trẻ sẽ không có một triệu chứng gì. Chỉ đến khi trẻ bị một bệnh khác nhiễm vào như: tiêu chảy, kiết lỵ, ban đỏ... thì các triệu chứng thiếu vitamin B1 mới bộc lộ rõ ràng. Điều đó sẽ làm cho căn bệnh mới nhiễm phải sẽ nặng hơn, nguy hiểm hơn.

3. Phòng ngừa bệnh tê phù do thiếu vitamin B1

Điều quan trọng nhất là phải giáo dục cho các bà mẹ bỏ được tập quán sai lầm kiêng cữ quá mức khi mang thai và khi nuôi con bằng sữa mình. Các bà mẹ cần được ăn uống đầy đủ chất và hợp lý.

Đối với trẻ nhỏ, tránh không cho trẻ ăn dặm trước 4 tháng tuổi. Khi đến thời gian ăn dặm cân cho trẻ ăn dặm đầy đủ các chất.

Trường hợp mẹ không có sữa thì nên nuôi trẻ bằng sữa động vật: sữa bò, sữa dê, sữa trâu... hoặc ít nhất cũng là sữa đậu nành. Thời gian dùng kéo dài tới 6 tháng tuổi. Tuyệt đối không nên chỉ nuôi trẻ bằng nước cơm, nước cháo, hoặc bột.

4. Cần xử lý thế nào khi trong gia đình có trẻ bị tê phù 

- Đưa trẻ đi khám bệnh.

- Nếu trẻ chỉ có một vài triệu chứng nhẹ như có vẻ hơi xanh xao, yếu hai chân... mà bạn lại chưa có điều kiện đưa trẻ đi khám bệnh được, cho trẻ uống ngay vitamin B1: viên 10mg mỗi ngày 1 -2 viên là đủ, cho uống trong một tháng. Trong đó điều chỉnh lại chế độ ăn, cho trẻ ăn đầy đủ chất và đúng phương pháp.

- Trường hợp trẻ đã có những triệu chứng tim mạch quan trọng, như có cơn khó thở, tím tái... thì bạn phải đưa trẻ đi khám bệnh ngay không chậm trễ.
 

Các câu hỏi liên quan

Xin mời nói. Bạn muốn tìm gì ...