Bệnh loãng xương

Bệnh loãng xương

Tỷ lệ người già càng tăng lên trong cộng đồng thì càng trở thành một vấn đề lớn đối với việc chăm sóc sức khỏe. Người già dễ bị loãng xương, thường là xương đùi và xương chậu, có khi chỉ bị sau một chấn thương nhẹ, nhất là ở các cụ bà, hậu quả thường rất trầm trọng, nhiều người bị chết, còn tỷ lệ sống sót đòi hỏi sự chăm sóc lâu dài.

Xương dễ bị gãy thường do loãng xương gây nên, đó là hiện tượng mất đi một số lượng lớn tổ chức xương trong toàn bộ thể tích xương, làm độ đặc của tổ chức xương giảm đi. Hàm lượng chất khoáng trong xương cao nhất ở tuổi 25, sau đó giảm xuống ở nữ vào tuổi mãn kinh và nam khoảng 52 tuổi. Tỷ lệ khối lượng giảm hàng năm thay đổi từ 0,5 đến 2% tùy theo từng người. Bệnh loãng xương gây gãy xương sau những va chạm rất nhẹ ở người cao tuổi, vì vậy người ta gọi là “gãy xương không do chấn thương”. Các hậu quả của loãng xương đã trở thành một gánh nặng cho xã hội ở nhiều nước phát triển.

Các yếu tố sau đây có ảnh hưởng tới độ đặc của xương:

a/ Thiếu oestrogen (xuất hiện ở phụ nữ tuổi mãn kinh).

b/ Thiếu hoạt động. 

c/ Hút thuốc lá. 

d/ Uống rượu.

e/ Chế độ dinh dưỡng thấp, nhất là nghèo calcium.

Các lời khuyên về dinh dưỡng để phòng loãng xương

Việc điều trị bệnh loãng xương khó khăn và tốn kém nên chúng ta khuyến khích biện pháp phòng ngừa bằng cách tăng khối lượng của xương thông qua đưa vào cơ thể một lượng calcium (1000mg/ngày) và vitamin D phù hợp trong suốt tuổi ấu thơ, tuổi dậy thì và thanh niên.

1. Tăng thêm các thức ăn giàu calcium: Sữa và các chế phẩm từ sữa như phô-mai (nên dùng các loại sữa có ít chất béo). Ở một số nước, người ta tăng cường calcium vào bánh mì. Tốt nhất là nên ăn những thức ăn giàu calcium. Những người dưới 50 tuổi cần dùng 1000mg calcium mỗi ngày, người trên 50 tuổi cần dùng 1200mg mỗi ngày.

2. Lượng protein (chất đạm) trong khẩu phần nên vừa phải, ăn nhiều đạm nhưng phải đảm bảo đủ calcium vì chế độ ăn nhiều đạm làm tăng bài xuất calcium theo nước tiểu.

3. Ăn nhiều rau và trái cây, các thức ăn có chứa nhiều oestrogen thực vật như giá đỗ. Các loại cây rau như mùi tây, bắp cải, cà chua, dưa chuột, tỏi... Làm tăng chất khoáng trong xương.

4. Có thời gian hoạt động ngoài trời nhất định để tăng tổng hợp vitamin D trong cơ thể.

5. Không nghiện rượu. 

6. Hoạt động thể lực vừa phải.

7. Duy trì cân nặng “nên có”. Gầy là một yếu tố nguy cơ của loãng xương.

Các hậu quả của loãng xương đã trở thành một gánh nặng cho xã hội ở nhiều nước phát triển. Loãng xương và hậu quả của nó rất đáng chú ý ở nước ta.

Tiến sĩ. Nguyễn Thị Lâm

Các câu hỏi liên quan

Xin mời nói. Bạn muốn tìm gì ...