Bệnh hiếm ngày càng phổ biến
Bệnh không còn xa lạ
Kawasaki từng được coi là bệnh hiếm ở nước ta nhưng vài năm gần đây, số trẻ mắc ngày một nhiều. Ước tính tỷ lệ mắc bệnh ở trẻ ở mức 50 - 100 trẻ/100.000 dân. Đây là bệnh thường gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi.
Theo thống kê của Bệnh viện Nhi Trung ương, mỗi năm có từ 80 - 100 trẻ nhập viện điều trị vì bệnh này. Tương tự, Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ, Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 ở TP.HCM năm nào cũng ghi nhận trẻ mắc bệnh.
Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, 1 tháng qua số bệnh nhi mắc bệnh trên tăng đột biến. Các bệnh nhân đều có triệu chứng điển hình là sốt kéo dài, dùng thuốc hạ sốt không giảm. Bé Q.H (Hải Dương) mới 4 tháng tuổi là bệnh nhi nhỏ tuổi nhất đang được điều trị tại viện.
Trước đó, bé sốt cao, dùng thuốc hạ sốt chỉ được 2 - 3 giờ lại sốt trở lại. Ba ngày sau, bé bắt đầu bị phồng rộp đầu lưỡi, bỏ bú, quấy khóc nên được gia đình đưa vào bệnh viện tỉnh. Nghi ngờ bệnh nhi nhiễm khuẩn, bác sĩ chỉ định truyền kháng sinh nhưng các triệu chứng trên không thuyên giảm.
Sau 2 ngày điều trị và làm lại các xét nghiệm, bác sĩ kết luận bé mắc bệnh Kawasaki và phải chuyển lên tuyến trên. Lần đầu tiên nghe tên bệnh này, gia đình bệnh nhi hoang mang bởi bệnh thì điều trị đơn giản nhưng các biến chứng mà bệnh gây ra lại vô cùng nguy hiểm.
Cũng đang điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương, bé 4 tuổi (Hà Đông, Hà Nội) không chỉ sốt dai dẳng mà còn phồng rộp lưỡi, bong da ở các ngón tay và nguy hiểm hơn là giãn động mạch vành.
Mới đây, các bác sĩ Bệnh viện K Trung ương và Bệnh viện Đa khoa Tuyên Quang tiến hành phẫu thuật cắt bỏ khối u tại buồng trứng trái cho bệnh nhi mới 4 tuổi. Trước đó, bệnh nhi thường kêu đau bụng nhưng gia đình chủ quan không đưa đi khám.
Đến khi bé đau quá không chịu được mới vào viện, qua xét nghiệm lâm sàng, bác sĩ phát hiện một khối u 6cm x 5cm ở buồng trứng trái.
Căn bệnh trên gây bất ngờ cho cả bác sĩ lẫn người nhà bệnh nhân bởi u buồng trứng là bệnh thường gặp ở nữ giới, đặc biệt là người trưởng thành nhưng hiếm khi gặp ở bé gái do buồng trứng chưa phát triển. Do khối u to nên bác sĩ phải cắt bỏ cả buồng trứng trái của bệnh nhi.
Biến chứng khó lường
Dù là bệnh ít gây tử vong nhưng Kawasaki để lại biến chứng khó lường. Do bệnh không có dấu hiệu điển hình nên việc phát hiện sớm rất khó. Theo bác sĩ Cao Việt Tùng, khoa Gây mê hồi sức tim mạch (Bệnh viện Nhi Trung ương), Kawasaki là bệnh cấp tính có viêm mạch hệ thống. Để chẩn đoán căn bệnh này, phải dựa vào các triệu chứng lâm sàng với sáu biểu hiện bệnh.
Một trong những biến chứng thường gặp nhất của Kawasaki là bệnh nhân bị tổn thương động mạch vành, khiến động mạch vành bị giãn, phình to.
Bên cạnh đó, Kawasaki còn có thể ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, gây ra bệnh viêm gan, vàng da, men gan tăng, hay viêm màng não và viêm tim…
Do vậy, việc phát hiện sớm các dấu hiệu của bệnh rất quan trọng bởi nó vừa giảm các biến chứng, vừa hạn chế khả năng kháng thuốc, tăng khả năng phục hồi khi dùng thuốc truyền tĩnh mạch vào thời điểm sau 6 ngày và trước 10 ngày kể từ khi trẻ sốt.
Cũng giống như Kawasaki, u nang buồng trứng ở trẻ không có dấu hiệu điển hình. Cho đến nay bác sĩ chưa giải thích được tại sao trẻ nhỏ lại mắc căn bệnh hiếm này nên khi thấy trẻ đau bụng kèm nôn, sờ thấy cứng vùng dưới rốn cần đến bệnh viện.
Hiện phương thức điều trị u buồng trứng phụ thuộc tuổi của bệnh nhi, tính chất lành hay ác tính của khối u và giai đoạn tiến triển của bệnh.
Với hội chứng Apert, ở nước ta đến nay ghi nhận khoảng 10 ca mắc. Ca phẫu thuật đầu tiên được thực hiện trong nước vào năm 2013 cho bệnh nhi 4 tuổi. Bệnh nhân mắc bệnh này phải trải qua nhiều ca phẫu thuật để tách từng ngón tay, chân và nới rộng hộp sọ…
Em bé mắc bệnh hiếm này gần đây nhất hiện 10 tháng tuổi ở Vĩnh Phúc. Do các ngón tay, chân dính liền kèm dị tật hộp sọ nên ăn uống, thở đều khó khăn.
Tuy 10 tháng tuổi nhưng bé vẫn chưa thể cầm nắm hay tập ngồi, bò như trẻ cùng tuổi. Sự phát triển trí tuệ cũng không bằng các bạn…
Hội chứng Apert là bệnh lý hiếm gặp, được biết đến với biểu hiện chính là khớp xương sọ liền sớm, dị tật phức tạp ở các ngón tay, chân. Bệnh để lại di chứng nặng nề về hình thái phát triển thần kinh vận động và trí tuệ. Hiện các nhà khoa học chưa tìm ra mối liên quan nào giữa hội chứng này với người mẹ hoặc các bất thường trong thời kỳ mang thai nên nhiều ý kiến cho rằng, bệnh xảy ra do đột biến gen. Tỷ lệ mắc bệnh này là 1 ca/60.000 - 65.000 trẻ.