Bệnh Cao Huyết Áp
Bệnh cao huyết áp là gì?
Cao huyết áp (hay còn được gọi là tăng huyết áp) là một tình trạng áp lực máu đẩy vào thành động mạch khi tim bơm máu đi quá cao. Nếu áp lực này tăng lên cao theo thời gian, nó có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe khác.
Một số loại cao huyết áp chính bao gồm:
- Cao huyết áp vô căn (EHT), hay còn gọi là cao huyết áp tự phát.
- Tăng huyết áp thứ phát.
- Cao tăng huyết áp tâm thu.
- Tiền sản giật, hay được gọi là cao huyết áp thai kỳ.
Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng, tăng huyết áp có thể được phân loại như sau:
- Tiền tăng huyết áp: 120/80 mmHg hoặc cao hơn.
- Tăng huyết áp độ 1: 140/90 mmHg hoặc cao hơn.
- Tăng huyết áp độ 2: 160/100 mmHg hoặc cao hơn.
- Cao huyết áp cấp cứu (một tình trạng đe dọa đến tính mạng): 180/110 mmHg hoặc cao hơn.
Theo Hiệp hội Tim mạch Việt Nam, đối với huyết áp dưới 120/80 mmHg được coi là bình thường. Khi bị cao huyết áp, máu sẽ lưu thông qua các động mạch ở áp suất cao, gây sức ép nhiều hơn vào các mô và gây tổn hại các mạch máu.
Những ai có nguy cơ mắc cao huyết áp?
- Tuổi: Nguy cơ tăng huyết áp tăng cùng với tuổi, nhất là ở người từ 45 tuổi trở lên.
- Thừa cân béo phì: Người thừa cân BMI ≥ 23, nam vòng bụng ≥ 90 cm, nữ vòng bụng ≥ 80 cm.
- Sử dụng rượu bia, thuốc lá làm tăng huyết áp và gia tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch do tăng huyết áp.
- Ăn nhiều muối, ít rau quả.
- Ít hoạt động thể lực.
- Căng thẳng tâm lý
- Mắc các bệnh mãn tính như bệnh thận, đái tháo đường...
- Tiền sử bệnh trong gia đình: Nguy cơ tăng huyết áp gia tăng nếu trong gia đình đã có người bị tăng huyết áp.
Các nguyên nhân gây ra bệnh Cao huyết áp là gì?
1. Tuổi tác
Tuổi càng cao, nguy cơ trở thành nạn nhân của căn bệnh cao huyết áp càng lớn. Người lớn tuổi thường có nguy cơ dễ bị bệnh Cao huyết áp. Huyết áp cao là nguyên nhân chính gây xơ vữa động mạch.
2. Di truyền
Nếu gia đình bạn có lịch sử bị Cholesterol cao, đây có thể là lý do khiến bạn nên bắt đầu quan tâm, lo lắng. Bệnh Cao huyết áp do di truyền có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe đáng lo ngại đối với người trẻ tuổi.
3. Giới tính
Nam giới có nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp cao hơn phụ nữ. Điều này không có nghĩa là phụ nữ không cần lo lắng vì nguy cơ mắc bệnh của phụ nữ hiện nay đang có chiều hướng tăng cao.
4. Thừa cân
Thừa cân, béo phì là một trong những nguyên nhân hàng đầu của bệnh cao huyết áp.
5. Ăn mặn
Một số người nhạy cảm với muối hoặc natri nên Huyết áp thường xuyên cao. Giải pháp tốt nhất là giảm lượng muối, sau đó nên giữ ở mức an toàn. Thức ăn nhanh thường chứa lượng muối lớn, những người Cao huyết áp nên tránh loại đồ ăn này và tìm những thực phẩm có lợi cho sức khỏe để có thể kiểm soát được bệnh.
6. Rượu bia
Rượu, bia có hại cho sức khỏe của bạn, trong đó ảnh hưởng nhiều đến huyết áp. Do đó, tránh uống nhiều rượu, đặc biệt rượu mạnh nhằm giữ huyết áp ở mức bình thường.
7. Căng thẳng
Công việc căng thẳng, ngồi nhiều trong văn phòng hoặc những nguyên nhân khác gây áp lực và stress có thể làm thay đổi huyết áp của bạn, từ đó việc huyết áp thay đổi thường xuyên mà không được chữa trị, lâu ngày dẫn tới bệnh Cao Huyết áp.
8. Thuốc ngừa thai
Theo một nghiên cứu mới đây, uống thuốc ngừa thai thường xuyên hay khẩn cấp đều có thể làm căn bệnh cao huyết áp tiến triển nhanh.
Triệu chứng bệnh Cao huyết áp
Tăng huyết áp không có dấu hiệu đặc trưng. Các triệu chứng rất phức tạp và nặng nhẹ khác nhau, biểu hiện tuỳ thuộc theo thể trạng của từng người.
Những dấu hiệu thường gặp gặp của tăng huyết áp là:
- Choáng váng, nhức đầu.
- Mất ngủ, chóng mặt, ù tai, hoa mắt.
- Khó thở, đau tức ngực, hồi hộp.
- Đỏ mặt, buồn nôn.
Một người khi có các dấu hiệu kể trên cần nhanh chóng kiểm tra huyết áp tại nhà và đến các cơ sở y tế gần nhất để khám, xác định bệnh và điều trị kịp thời.
Tuy nhiên đa số người mắc bệnh tăng huyết áp không có triệu chứng gì và phần lớn thậm chí còn không biết mình bị bệnh. Các triệu chứng trên thường chỉ xuất hiện khi bệnh đã tiến triển nặng.
Cách điều trị bệnh cao huyết áp
Mục tiêu điều trị thường là để giữ cho huyết áp của bạn dưới 140/90 mmHg. Nếu bạn có bệnh tiểu đường hoặc bệnh thận mãn tính, bác sĩ sẽ có phương pháp điều trị nghiêm ngặt để giữ cho huyết áp của bạn dưới 130/80 mmHg.
Thay đổi lối sống
Điều trị cao huyết áp bao gồm việc thay đổi lối sống và sử dụng thuốc. Nếu bệnh cao huyết áp của bạn không phải là nghiêm trọng, bạn nên thay đổi lối sống nhằm kiểm soát mức huyết áp tốt hơn.
Khi huyết áp của bạn đạt mức kiểm soát, bạn vẫn sẽ cần điều trị. “Đạt mức kiểm soát” có nghĩa là chỉ số huyết áp của bạn là ở mức bình thường. Bác sĩ có thể sẽ khuyên bạn nên kiểm tra huyết áp thường xuyên. Bác sĩ có thể tư vấn cho bạn biết bao lâu thì nên kiểm tra huyết áp.
Thuốc trị cao huyết áp
Nếu việc thay đổi lối sống không làm tình trạng bệnh khá hơn hoặc bạn mắc bệnh cao huyết áp nghiêm trọng hơn, bác sĩ sẽ kê toa thuốc. Thuốc giúp làm hạ huyết áp cao bao gồm:
- Thuốc lợi tiểu.
- Thuốc ức chế Beta.
- Thuốc ức chế hấp thụ canxi.
- Các chất ức chế men chuyển ACE.
- Thuốc giãn mạch.
Cách phòng chống cao huyết áp
- Chế độ ăn hợp lý: Giảm ăn mặn (dưới 5 g muối một ngày), tăng cường ăn rau xanh, hoa quả tươi, hạn chế thức ăn có nhiều cholesterol và axít béo no, đảm bảo đủ kali và các yếu tố vi lượng.
- Tránh thuốc lá, rượu bia và các chất kích thích
- Tăng cường hoạt động thể lực ở mức thích hợp: Tập thể dục, đi bộ, đi xe đạp hoặc vận động ở mức độ vừa phải, đều đặn khoảng 30-60 phút mỗi ngày.
- Duy trì cân nặng lý tưởng với chỉ số khối cơ thể (BMI) từ 18,5 đến 22,9; cố gắng duy trì vòng bụng dưới 90 cm ở nam và dưới 80 cm ở nữ. Với những người thừa cân thì nên có chế độ luyện tập khắt khe.
- Trong khẩu phần ăn nên giảm lượng muối.
- Luôn giữ cho tâm trạng được thoải mái, tránh lo âu, căng thẳng thần kinh, cần chú ý đến việc thư giãn, nghỉ ngơi hợp lý, tránh bị lạnh đột ngột.
Tương tự như cách bệnh khác, để điều trị bệnh Cao huyết áp 1 cách hiệu quả, thì mỗi người phải tự ý thức bằng việc phòng ngừa bệnh sớm nhất và hiểu rõ hơn về nguyên nhân, cách điều trị và phòng tránh như thế nào là tốt nhất.
Hi vọng qua bài viết này thì mọi người đã cập nhật thêm được kiến thức sức khỏe cho gia đình mình, từ đó có thể phòng ngừa cũng như phát hiện sớm bệnh để được điều trị kịp thời.